28 Tháng 5, 2024

Wabi-Sabi là gì? – Lịch sử hình thành triết lý Wabi-Sabi

“Hoàn hảo một cách không hoàn hảo” điều tưởng chừng như không thể nhưng lại là một triết lý đã sống với người Nhật hơn 7 thế kỉ. Wabi-Sabi chấp nhận và tôn lên vẻ đẹp của sự không hoàn hảo bằng cách chứng minh rằng: không có gì trên đời này là trọn vẹn và hoàn hảo. Triết lý mang một góc nhìn trái ngược với một xã hội luôn theo đuổi sự hoàn hảo như hiện nay, điều này đã khiến Wabi-Sabi được đông đảo mọi người đón nhận như một làn gió thổi đi những điều tiêu cực trong cuộc sống. Ngày nay, vẻ đẹp của sự không hoàn hảo mà Wabi-Sabi nhấn mạnh được thể hiện qua mĩ thuật, nghệ thuật làm gốm, nghệ thuật cắm hoa, thiết kế kiến trúc và nội thất, thơ văn,… và rất nhiều cách thể hiện khác. Để hiểu được Wabi-Sabi cần có sự hiểu biết về lịch sử, văn hoá nhật bản, cũng như rất nhiều yếu tố khác…

Khu vườn trong ngôi chùa Ryoan Ji tại thành phố Kyoto (Ảnh bởi Stephane D'Alu)
Khu vườn trong ngôi chùa Ryoan Ji tại thành phố Kyoto (Ảnh bởi Stephane D’Alu)

Wabi-Sabi là gì? Nó không chỉ đơn giản là sự “hoàn hảo một cách không hoàn hảo”, triết lý tích cực này được cấu thành từ hai khái niệm sâu sắc nhưng có phần tiêu cực. Từ Sabi xuất hiện đầu tiên vào thế kỉ thứ 8 và được định nghĩa là từ miêu tả sự hoang tàn và hiu quạnh. Sự phát triển về văn hoá tại Nhật Bản sau thế kỉ 12 đã phần nào tạo nên sự thay đổi về định nghĩa của Sabi, bấy giờ đã trở thành từ ngữ miêu tả sự quan sát rồi cảm thấu những gì cũ kỹ và mộc mạc. Vế còn lại, Wabi ban đầu được định nghĩa là sự thiếu thốn về vật chất hay sự nghèo khổ. Định nghĩa có sự tiêu cực này đã được thay đổi khi bị ảnh hưởng bởi văn hoá Zen của Trung Hoa. Sự ảnh hưởng này đã khiến Wabi có ý nghĩa là vẻ đẹp của sự đơn giản và sự né tránh hào nhoáng xa hoa không cần thiết.

Dù có gốc rễ chịu ảnh hưởng bởi triết lý “Zen” trong phật giáo của người Trung Hoa, truyền thuyết về khởi nguồn của Wabi-Sabi bắt đầu vào thế kỷ 16. Đó là một câu chuyện giữa Sen No Rikyu và một bậc thầy trà đạo. Khi ấy, Rikyu muốn tìm tới người thầy để học hỏi bí quyết của nghệ thuật trà đạo. Để hiểu về tư duy của Rikyu, người thầy đã yêu cầu anh dọn dẹp và chăm sóc khu vườn của mình đến mức hoàn hảo. Phép thử đã khiến Rikyu biến khu vườn trở nên tinh tươm một cách tuyệt đối, nơi mà không thể tìm ra một sợi rác cho dù là nhỏ nhất. Tưởng chừng đã đạt được đến sự hoàn hảo nhưng Rikyu đã lay nhẹ cây anh đào để những cánh hoa rơi rớt xuống đất, trong một khu vườn không tì vết. Sự rơi rớt lộn xộn và tự nhiên của những cánh hoa anh đào trong một không gian tỉ mĩ, gọn gàng đã làm cho khu vườn trở nên hoàn hảo.

Kintsugi tôn lên vẻ đẹp của sự rạng nứt (Nguồn: BBC)
Kintsugi tôn lên vẻ đẹp của sự rạng nứt (Nguồn: BBC)
Ikebana tôn lên vẻ đẹp của sự bất cân đối (Nguồn: MAXXI)
Ikebana tôn lên vẻ đẹp của sự bất cân đối (Nguồn: MAXXI)

“Sự hoàn hảo một cách không hoàn hảo” có thể được thấy rất nhiều trong nghệ thuật Nhật Bản. Wabi-Sabi được áp dụng vào rất nhiều loại hình khác nhau, từ triết lý thiết kế đến thủ công mỹ nghệ. Một trong số các trường phải nghệ thuật nổi bật được ứng dụng triết lý Wabi-Sabi phải kể đến là nghệ thuật làm gốm Kintsugi. Kintsugi dùng vàng để ghép các mảnh gốm vỡ thành một phiên bản độc đáo và giá trị. Thay vì cố gắn che dấu những vết nứt của đồ gốm, Kintsugi tôn vinh nó bằng một màu vàng/bạc sáng bóng, khiến những điểm “không hoàn hảo” của tác phẩm được hiện lên rõ nét hơn. Một ví dụ điển hình khác về sự ứng dụng của triết lý Wab-Sabi trong nghệ thuật nhật bản là Ikebana. Ikebana là nghệ thuật cắm hoa và “làm chúng trở nên sống động”. Ikebana nhấn mạnh vào sự bất cân đối, hay các vật liệu tự nhiên để tạo nên một tổng thể độc đáo và tinh tế. Ngoài Ikebana và Kintsugi, Wabi-Sabi còn xuất hiện trong âm nhạc, thiết kế, mĩ thuật,… của Nhật Bản. 

Lịch sử và sự hình thành của Wabi-Sabi đã cho chúng ta thấy triết lý sống sâu sắc và một phần của văn hoá Nhật Bản. Wabi và Sabi, 2 từ có nguồn gốc với ý nghĩa theo hướng tiêu cực được gộp lại để miêu tả một vẻ đẹp của sự không hoàn hảo. Sự không hoàn hảo được hình thành qua truyền thuyết về Sen No Rikyu, người đã được cho là “cha đẻ” để Wabi và Sabi trở thành Wabi-Sabi như chúng ta biết đến nay. Nét đẹp của văn hoá Nhật Bản cũng như Wabi-Sabi được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Dù đó có là vết nứt trên những sản phẩm đồ gốm với Kintsugi hay những đoá hoa được sắp xếp một cách không cân xứng và tự nhiên của Ikebana, triết lý sống sâu sắc này vẫn được hiện lên một cách xúc cảm và đầy màu sắc. 

Yêu cầu tư vấn thiết kế nội thất văn phòng