Triết lý tối giản và sự lượt bỏ những điều không cần thiết ám chỉ Minimalism, một phong trào nở rộ vào những năm 1960 và được số đông hưởng ứng cho đến hiện tại. Chúng ta có thể dễ dàng thấy triết lí minimalism xuất hiện nhiều trong âm nhạc, mĩ thuật, thiết kế, thời trang, và không gian sống. Niềm đam mê của mọi người với minimalism đã khiến không gian sống dựa trên triết lí này trở nên giá trị hơn bao giờ hết. “Less is more” – ít hơn là nhiều hơn, một cách ngắn gọn để diễn tả không gian nội thất tối giản. Tuy nhiên, một câu nói ngắn gọn chỉ có thể diễn đạt một phần nhỏ về phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất…
“Minimalism cho phép không nội thất như chìm xuống và các thứ khác trở thành tâm điểm chú ý, ví dụ như view từ cửa sổ hay những người trong căn phòng” (Robert Brown, 2019). Để đạt được điều này là một công việc không hề dễ dàng cho các nhà thiết kế nội thất, vì phải đảm bảo không gian tối giản, tinh gọn, nhưng vẫn có sự ấm cúng của một ngôi nhà. Vì vậy, một câu hỏi đã được đặt ra với những không gian minimalist rằng: Liệu những yếu tố bên ngoài nêu trên như người, view ngoài cửa sổ, đồ đạc trong nhà… sẽ làm phá vỡ đi tính “Minimal” của một không gian nhà ở? Theo tạp chí Elle Decor, thử thách trong việc thiết kế một không gian Minimalism không nằm ở việc lựa chọn các mẫu vật liệu cho một phông nền trắng, mà là việc tạo nên sự ấm cúng và thổi sức sống vào một không gian thực sự tối giản.
Monochromatic hay tone màu đơn sắc sẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều trong quá trình thiết kế một không gian Minimalist. Việc sử dụng các sắc thái khác nhau trong một tone màu chủ đạo thể hiện sự đồng nhất cho không gian nội thất. Sự nhẹ nhàng và thư thái cũng là một cảm xúc có được từ việc sử dụng màu đơn sắc. Để có thêm sự thú vị, sắc màu tương phản sẽ được chọn để làm điểm nhấn cho nội thất theo phong cách Minimalism. Để tránh sự đơn điệu trong một không gian tối giản cần có sự đầu tư về chất liệu. Chất liệu “sạch sẽ” là tiêu chí cần được đề cao trong thiết kế Minimalist, điều này đồng nghĩa với việc không có sự xuất hiện của hoa văn phức tạp. Thay vào đó là những mảng tường, sàn, trần trơn láng hoặc sần sùi một cách tinh tế, gọn gàng.
Sự ưu tiên về công năng cũng là một đặc điểm của phong cách Minimalism. Tất cả các vật dụng hay furniture đều được sắp xếp có chủ đích và phục vụ cho mục đích sử dụng. Các chi tiết trang trí được lượt bớt, thay vào đó là các đồ vật hữu dụng được thiết kế một cách sáng tạo để trở thành những món “trang sức” cho một không gian Minimalist. Sự liên kết của các đồ vật trong một không gian tối giản cũng là một điều được các nhà thiết kế nội thất chú trọng trong quá trình thiết kế. Các mảng miếng cần có sự kết nối liền mạch qua việc sử dụng màu sắc, đường nét, và vật liệu (Myers, 2019).
Phong cách thiết kế nội thất Minimalism đòi hỏi sự tinh tế trong việc sử dụng vật liệu, màu sắc, đồ nội thất để tạo nên không gian tối giản nhưng vẫn đầy sự ấm cúng. Việc sử dụng tone màu đơn sắc làm chủ đạo mang đến cảm giác nhẹ nhàng với một chút điểm nhấn là các màu sắc tương phản. Theo triết lý Minimalist là lượt bỏ những thứ không cần thiết, một không gian theo triết lý này cũng cần đảm bảo được sự cân bằng “không thừa, không thiếu”. Tất cả các đồ vật hay sự sắp xếp trong không gian nội thất “Minimal” đều mang đến một công năng sử dụng hợp lí. Sự thoáng đãng của một không gian nội thất Minimalist đã được số đông ưa chuộng vì sự đẹp mắt và đa dạng của phong cách này.
Tháng 8, 2023 – Ben Pham